Cách chọn cổ phiếu tốt, tiềm năng để đầu tư dài hạn an toàn
Lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt và đầu tư trong dài hạn chính là chìa khóa thành công khi đầu tư chứng khoán. Hãy cùng Anfin khám phá bí quyết xác định cổ phiếu tốt trong bài viết này nhé!
Phân loại cổ phiếu trên thị trường
Đầu tiên, bạn cần phân loại các cổ phiếu trên thị trường để xác định được nhu cầu đầu tư của bản thân phù hợp với loại cổ phiếu nào
Cổ phiếu Blue Chip
Cổ phiếu Blue Chip là cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn, tình hình tài chính vững mạnh và dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Nhìn chung, những công ty này đã có danh tiếng về chất lượng, uy tín và thường hoạt động có lãi dù ở điều kiện thuận lợi hay khó khăn.
Đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip sẽ mang lại sự ổn định và an toàn bởi khả năng chống chịu tốt của các công ty trước biến động thị trường. Nhìn chung, đây là nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng giá trị dài hạn nhưng mức lợi nhuận có thể không quá cao.
Cổ phiếu Penny
Trái ngược với Blue Chip, nhóm Penny là những cổ phiếu được phát hành bởi các công ty có quy mô nhỏ, vốn hóa ít và thường được giao dịch với mức giá rất thấp. Ở Việt Nam, giá của các mã cổ phiếu Penny thường dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.
Những cổ phiếu Penny thường được đánh giá rủi ro lớn bởi tình hình tài chính của công ty phát hành thường không ổn định. Tuy nhiên, nếu công ty phát triển thành công, cổ phiếu Penny có thể mang lại lợi nhuận vượt trội, dù điều này đi kèm với khả năng mất vốn cao.
Cổ phiếu giá trị
Không giống với 2 loại cổ phiếu trên được phân loại dựa vào vốn hóa công ty phát hành, cổ phiếu giá trị là những cổ phiếu đang được định giá thấp hơn so với giá trị nội tại của chúng.
Nhà đầu tư sẽ nhắm đến các công ty có nền tảng kinh doanh tốt nhưng tạm thời bị thị trường bỏ qua hoặc đánh giá thấp do các yếu tố như khủng hoảng ngành hoặc tin tức tiêu cực. Nhà đầu tư kỳ vọng rằng khi thị trường nhận ra giá trị thực, giá cổ phiếu sẽ tăng, mang lại lợi nhuận đáng kể.
Cổ phiếu tăng trưởng
Cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của công ty có tiềm năng tăng trưởng vượt trội, nhanh hơn mức phát triển trung bình của thị trường hoặc ngành nhờ vào việc dẫn đầu xu hướng, đổi mới sản phẩm hoặc mở rộng mạnh mẽ.
Thay vì chia cổ tức thường niên, những công ty này thường sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thúc đẩy hiệu suất kinh doanh, liên tục nâng cao giá trị hơn trong tương lai.
Doanh nghiệp là chủ thế quan trọng để định giá một cổ phiếu. Do đó, khi doanh nghiệp liên tục đầu tư phát triển, giá cổ phiếu cũng sẽ tăng trưởng dựa trên sự phát triển vượt bậc đó của công ty.
Các phương pháp phân tích tiềm năng cổ phiếu
Hiện tại có 3 phương pháp phổ biến để phân tích giá trị cổ phiếu:
1. Phân tích cơ bản
Phân tích cơ bản là phương pháp phân tích các yếu tố kinh tế và tình hình tài chính doanh nghiệp để xác định xem giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường có đang bị định giá thấp hay cao so với giá trị thực của nó hay không.
Phương pháp này sẽ xác định giá trị cổ phiếu dựa vào các chỉ số từ bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, tỷ lệ nợ hay các chỉ số EPS, P/B, P/E, ROA, ROE...
Kết hợp với các chỉ số trên, bạn cũng cần phân tích thêm các yếu tố định tịnh như mô hình kinh doanh, ban lãnh đạo, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp... hay thậm chí là ngành nghề, xu hướng thị trường để đánh giá.
Xem thêm về phương pháp phân tích cơ bản
2. Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích sự biến động giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu trong quá khứ để dự đoán xu hướng giá trong tương lai.
Nhà đầu tư áp dụng phương pháp phân tích kỹ thuật tin rằng giá cả phản ánh mọi thông tin thị trường, giá cả thường di chuyển theo xu hướng và có khả năng lặp lại trong tương lai.
Với phương pháp này, nhà đầu tư sẽ thực hiện phân tích bằng các công cụ như:
Biểu đồ giá: Hiển thị biến động giá theo thời gian, giúp nhận diện xu hướng tăng, giảm hoặc sideway (đi ngang)
Chỉ báo kỹ thuật: Có thể kể đến như mức hỗ trợ, kháng cự, MA, RSI, MACD, Bollinger Bands,...
Mô hình giá: Là các hình dạng của biểu đồ nến, nổi bật như mô hình vai đầu vai, mô hình cốc và tay cầm,...
3. Phương pháp CANSLIM
Phương pháp CANSLIM là phương pháp khá phổ biến, giúp nhà đầu tư xác định cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ thông qua 7 nguyên tắc tương ứng với từng chữ trong “CANSLIM”, cụ thể là:
Chữ C (Current Quarterly Earnings Per Share): Đầu tư vào doanh nghiệp có sự tăng trưởng thu nhập ở các quý gần đây.
Chữ A (Annual Earning Growths): Ưu tiên doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận liên tục hàng năm.
Chữ N (New Products, New Management, New Highs): Chú ý đến công ty ra mắt sản phẩm mới, đổi ban lãnh đạo,... có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.
Chữ S (Supply and Demand): Khi đột nhiên có nhiều người muốn mua cổ phiếu (cầu > cung) thì giá có xu hướng tăng.
Chữ L (Leader or Laggard): Nên lựa chọn những cổ phiếu có hiệu suất hoạt động tốt, dẫn đầu trong một ngành.
Chữ I (Institutional Sponsorship): Các mã cổ phiếu được nắm giữ bởi quỹ đầu tư hay ngân hàng thường có tiềm năng tăng giá.
Chữ M (Market direction): Để mắt đến xu hướng chung của thị trường để có quyết định đầu tư phù hợp nhất.
Để tìm hiểu chi tiết về phương pháp CANSLIM, bạn hãy đọc qua bài viết: Phương pháp CANSLIM - Cách lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng
Các tiêu chí chọn cổ phiếu tiềm năng để đầu tư dài hạn
Thông thường, một cổ phiếu tiềm năng sẽ hội tụ đủ các yếu tố sau:
1. Tình hình tài chính ổn định
Với chiến lược đầu tư dài hạn, việc chọn công ty có tình hình tài chính vững mạnh là yếu tố then chốt. Điều này đảm bảo công ty có đủ khả năng vượt qua các biến động trên thị trường, đồng thời tiềm lực tài chính tốt là nền tảng của sự tăng trưởng lâu dài trong kinh doanh.
Về cơ bản thì sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tốt có thể được thể hiện qua tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu luôn dưới 80%. Nghĩa là, doanh nghiệp có ít nợ sẽ giảm được các rủi ro về dòng tiền.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xem xét tỷ lệ thanh toán hiện hành của doanh nghiệp. Chỉ số này nên lớn hơn 2 để đảm bảo doanh nghiệp có đủ tài sản để trả nợ ngắn hạn.
Một dấu hiệu khác để nhận biết doanh nghiệp tốt là tổng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh hiệu quả, các nguồn thu khác chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Key Takeaways:
Chỉ số D/E < 0.8
Tỷ lệ thanh toán hiện hành (CR) > 2
Tổng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh
2. Tăng trưởng ổn định và tích cực
Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng đều đặn, lợi nhuận ròng dương trong nhiều năm liên tiếp, EPS tăng dương trong khoảng 5 năm gần nhất phản ánh khả năng quản lý hiệu quả, sản phẩm/dịch vụ được thị trường chấp nhận, có chỗ đứng cho thương hiệu,...
Việc lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng ổn định vừa giúp bảo vệ vốn, vừa tạo ra lợi nhuận bền vững lâu dài. Hơn nữa, khi doanh nghiệp phát triển tốt thì nhà đầu tư còn có cơ hội nhận cổ tức nhiều hơn, đây là một nguồn thu nhập thụ động hấp dẫn.
Key Takeaways:
EPS > 0 (trong 5 năm liên tục)
3. Giá trị cổ phiếu hợp lý
Muốn biết giá trị cổ phiếu có đang hợp lý hay không, nhà đầu tư nên sử dụng phân tích cơ bản để xác định giá trị thực sự của chúng. Nhờ quá trình phân tích cẩn thận, bạn sẽ tránh được rủi ro “đu đỉnh” và tối ưu hóa lợi nhuận của mỗi cổ phiếu.
Một vài chỉ số giúp bạn đánh giá giá trị của cổ phiếu, gồm:
P/E nên thấp hơn mức trung bình của ngành, nằm trong khoảng từ 5 - 15 là tiềm năng.
P/B dưới 1.2 cho thấy giá cổ phiếu đang được giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách nên có thể sẽ tăng giá.
Tỷ suất sinh lời của cổ phiếu tốt sẽ cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ.
4. Chi trả cổ tức đều đặn
Việc chi trả cổ tức đều đặn, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt cho thấy doanh nghiệp đang kinh doanh nghiệp quả và có dòng tiền ổn định. Từ đó phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững và quản lý hiệu quả của công ty.
Ngoài ra, nhận cổ tức định kỳ giúp nhà đầu tư giảm sự phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường. Ngay cả khi giá cổ phiếu giảm thì cổ tức vẫn sẽ đảm bảo một phần lợi nhuận bù đắp cho nhà đầu tư.
5. Lợi thế cạnh tranh thị trường
Lợi thế cạnh tranh là những yếu tố “độc nhất” và đối thủ khó có thể sao chép được, ví dụ như:
Khả năng tối ưu chi phí sản xuất ở mức thấp nhất.
Người tiêu dùng có nhận thức rõ về thương hiệu uy tín, lâu đời.
Sản phẩm/dịch vụ ưu việt, được thị trường chấp nhận.
Có thể huy động được nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh.
Ứng dụng được công nghệ để phát triển doanh nghiệp.
Một công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh thường sở hữu tiềm năng tăng trưởng bền vững, mức sinh lời cao và rủi ro thấp hơn cho nhà đầu tư.
6. Đội ngũ lãnh đạo và chiến lược kinh doanh chất lượng
Ban lãnh đạo tài năng và trung thực sẽ đưa ra những chiến lược hiệu quả, quyết định đúng đắn. Đồng thời, họ cũng là người quản lý quá trình thực thi chiến lược, đảm bảo hiệu quả và dẫn dắt doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Đặc biệt, đối với việc đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực chất bạn đang đầu tư và đặt lòng tin vào ban lãnh đạo. Bởi sự phát triển của những doanh nghiệp mới tham gia thị trường thường phụ thuộc khá nhiều vào tầm nhìn và năng lực của nhà lãnh đạo.
7. Có thanh khoản tốt
Khi muốn đầu tư vào một công ty, bạn cần xem xét tính thanh khoản trên 2 phương diện sau:
Khả năng thanh khoản của công ty: Bạn nên ưu tiên chọn công ty có tài sản ngắn hạn ít nhất bằng 1,5 lần nợ ngắn hạn. Với tỷ lệ này, công ty sẽ có đủ khả năng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Mức độ thanh khoản của cổ phiếu: Một cổ phiếu tốt phải đảm bảo khả năng mua - bán nhanh chóng. Bạn có thể đánh giá thanh khoản của cổ phiếu thông qua khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và biên độ giá.
Lời kết
Như vậy, Anfin đã chia sẻ cho bạn một số tiêu chí quan trọng để chọn cổ phiếu tiềm năng phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn. Nhưng trên thực tế, muốn đầu tư thành công thì bạn cần liên tục trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để trở nên quyết đoán và ra quyết định sắc bén, chính xác hơn.
Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin