Anfin - Ứng dụng tài chính đa tiện ích
Về Anfin
Sản phẩm
Học & Đọc

Giao dịch ngay

Anfin - Ứng dụng tài chính đa tiện ích

Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả

Báo cáo tài chính là bản báo cáo “vạch trần” tình hình kinh doanh thực tế của mỗi công ty, từ đó cho bạn cái nhìn rõ nét về hiệu quả làm ăn của một doanh nghiệp. Nhờ vậy, bạn sẽ có cơ sở để ra quyết định đầu tư tốt hơn.

ANFIN - ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN DỄ DÀNG

Dễ dàng giao dịch đa dạng các sản phẩm như cổ phiếu, chứng chỉ quỹtích lũy đầu tư với chi phí tối ưu nhất, chỉ từ 10.000đ

TẢI ỨNG DỤNGTÌM HIỂU ANFIN
Anfin CTA
Anfin CTA

Báo cáo tài chính cung cấp thông tin gì?

Báo cáo tài chính là bảng báo cáo bao gồm các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, dòng tiền,... của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. 

Dựa vào báo cáo tài chính mà các bên liên quan như đội ngũ quản lý, nhà đầu tư và cơ quan thuế có thể đánh giá tình hình kinh doanh và quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Thông thường, một bảng báo cáo tài chính sẽ cung cấp các thông tin như:

1. Tình hình tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu

Các thông tin về tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp sẽ được ghi chi tiết trong bảng cân đối kế toán. Có thể hiểu đơn giản, bảng này sẽ cho bạn biết:

  • Doanh nghiệp đang sở hữu những tài sản gì

  • Nguồn vốn hình thành nên các tài sản đó (bao gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu)

Tài sản bao gồm:

  • Tiền hoặc các khoản tương đương với tiền

  • Tài sản cố định và hàng tồn kho

  • Chi phí xây dựng cơ bản đang dở dang

  • Các khoản phải thu khách hàng

  • Các khoản đầu tư (tài chính, bất động sản,...)

  • Các tài sản khác

Nợ phải trả bao gồm:

  • Nợ phải trả cho người bán

  • Tiền lương phải trả cho người lao động

  • Các khoản phải nộp cho nhà nước

  • Quỹ khen thưởng, tiền dự phòng phải trả

  • Các khoản nợ phải trả khác

Vốn chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn góp của các nhà đầu tư

  • Nguồn kinh phí

  • Lợi nhuận giữ lại

  • Các quỹ khác

2-thong-tin-tai-san-va-nguon-von.webp

2. Kết quả hoạt động kinh doanh

Thông tin về doanh thu, lợi nhuận và chi phí sẽ được phản ánh rõ ràng trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, nó có liên quan trực tiếp đến:

  • Doanh thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ

  • Lợi nhuận từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ

  • Lợi nhuận thuần từ các hợp đồng kinh doanh

  • Lợi nhuận ròng sau khi trừ chi phí và thuế

  • Chi phí: Tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, thuế

  • Lãi cơ bản/cổ phiếu, lãi suy giảm/cổ phiếu

Ngoài ra, các khoản thu nhập khác, chi phí và lợi nhuận khác cũng được ghi chép vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để xác định tổng lợi nhuận cuối cùng và thuế mà doanh nghiệp cần nộp cho Cơ quan Thuế.

3-hieu-qua-ban-hang-va-cung-cap-dich-vu.webp

3. Dòng tiền ra vào doanh nghiệp

Dòng tiền là yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Trên thực tế, tiền của doanh nghiệp sẽ “chảy” ra - vào liên tục thông qua việc:

  • Mua nguyên vật liệu sản xuất, máy móc, chi phí đầu tư,...

  • Bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp

Từng động thái di chuyển của tiền sẽ được phản ánh cụ thể trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Về cơ bản, báo cáo này sẽ cho bạn thấy sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.

Thực tế, không ít công ty có doanh thu cao nhưng dòng tiền rất yếu do nhiều khách hàng nợ chưa trả. Tình trạng này diễn ra lâu dài có thể khiến doanh nghiệp cạn kiệt vốn hay thiếu vốn tái đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển trong tương lai.

Nhờ vào bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bạn có thể đánh giá khả năng thanh toán và hiệu quả sử dụng vốn của một công ty, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn.

4-phan-anh-dong-chay-tien-te-cua-doanh-nghiep.webp

4. Các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính

Bên cạnh những yếu tố trên thì báo cáo tài chính còn cung cấp thông tin về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong bảng cân đối kế toán, tại phần Nợ phải trả sẽ nêu rõ các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn mà doanh nghiệp cần thanh toán.

Song song với đó, dòng tiền ra/vào khi doanh nghiệp vay nợ hoặc trả nợ cũng được ghi chú chính xác trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Bạn có thể phân tích thông tin về nợ và nghĩa vụ tài chính của một công ty trước khi quyết định mua cổ phiếu để:

  • Đánh giá xem doanh nghiệp có khả năng trả nợ hay không?

  • Biết hiệu quả kinh doanh thông qua tỷ lệ tạo ra lợi nhuận từ số tiền mà doanh nghiệp đã đi vay

Như vậy các thông tin này sẽ làm cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định giao dịch cổ phiếu chính xác hơn.

5-ghi-chep-cac-khoan-no-cua-cong-ty.webp

5. Tình hình tài chính theo thời gian

Cái tên báo cáo tài chính đã cho thấy chức năng của nó là cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bảng báo cáo này sẽ liệt kê tất tần tật các hoạt động tài chính trong một công ty theo quý, năm.

Khi xem báo cáo tài chính, bạn có thể tiến hành phân tích cơ bản để biết hiệu quả kinh doanh, biến động về dòng tiền, chiến lược/định hướng phát triển của doanh nghiệp để giảm rủi ro khi đầu tư.

Báo cáo tài chính gồm những phần nào?

Một báo cáo tài chính theo đúng quy định tại Điều 100 của Thông tư 200/2014/TT-BTC sẽ bao gồm:

Các tờ khai quyết toán thuế 

  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN

  • Tờ khai quyết toán thuế TNCN

Các loại báo cáo tài chính

  • Bảng cân đối kế toán

  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

  • Bảng cân đối tài khoản

Phụ lục đi kèm

  • Bảng thuyết minh báo cáo tài chính

  • Tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước

Lưu ý, nội dung trong báo cáo tài chính phải cung cấp đủ các thông tin tất yếu sau:

  • Tài sản

  • Tài sản khác có liên quan đến công ty

  • Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu

  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh

  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh

  • Luồng tiền ra vào doanh nghiệp

  • Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

Cách đọc báo cáo tài chính đầy đủ, chi tiết

Bảng báo cáo tài chính có vẻ rất khó hiểu đối với những người lần đầu xem qua. Hiểu được điều đó, Anfin sẽ hướng dẫn bạn từng bước đọc báo cáo tài chính vô cùng đơn giản:

Bước 1: Xem ý kiến của kiểm toán viên

Kiểm toán viên là người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là kế toán. Khi xem báo cáo tài chính, bạn nên đọc qua phần “Ý kiến của kiểm toán viên” để xác nhận tính trung thực, minh bach và chính xác của bảng báo cáo.

6-xem-y-kien-cua-kiem-toan-vien.webp

Thông thường, kiểm toán viên sẽ đánh giá độ tin cậy của báo cáo tài chính bằng cách đưa ra 1 trong 4 ý kiến sau:

  • Chấp nhận toàn phần: Là mức ý kiến cao nhất, nghĩa là báo cáo tài chính đảm bảo được tính trung thực, phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp, không có sai sót.

  • Ngoại trừ: Khi đưa ra ý kiến này, kiểm toán viên đã phát hiện một số sai sót/chưa rõ ràng trong báo cáo tài chính, thường là do công ty chưa tuân thủ đúng các quy tắc hoặc thiếu thông tin thuyết minh. Ngoại trừ các vấn đề trên thì bảng báo cáo vẫn trung thực và hợp lý.

  • Trái ngược (không chấp nhận): Với trường hợp này, kiểm toán viên xác định báo cáo tài chính có thông tin sai sót, không phản ánh trung thực và hợp lý về tính hình tài chính của doanh nghiệp.

  • Từ chối: Nếu không thể thu thập đủ bằng chứng để đánh giá báo cáo tài chính, kiểm toán viên có thể từ chối đưa ra ý kiến.

Bước 2: Đọc hiểu bảng cân đối kế toán

Để xem bảng cân đối kế toán hiệu quả, bạn có thể đọc theo cách này:

  • Bước 1: Quan sát và liệt kê các mục lớn ở phần tài sản và nguồn vốn

  • Bước 2: Tính toán để đánh giá sự thay đổi của các khoản mục trong phần tài sản và nguồn vốn

  • Bước 3: Chú ý đến các khoản mục có sự biến động mạnh hoặc chiếm tỷ lệ lớn trong bảng báo cáo

7-minh-hoa-bang-can-doi-ke-toan.webp

Về cơ bản, bảng cân đối kế toán đóng vai trò là nền tảng cơ sở để bạn phân tích tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Nó có 2 phần lớn: Tài sản và nguồn vốn.

Tài sản là những thứ có giá trị, có thể tạo ra lợi ích kinh tế ở hiện tại và tương lai cho doanh nghiệp. Có 2 loại tài sản:

  • Tài sản ngắn hạn: Tiền, các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, các khoản phải thu từ khách hàng.

  • Tài sản dài hạn:

+ Tài sản cố định hữu hình: Nhà máy, máy móc, bất động sản,...

+ Tài sản cố định vô hình: Tài sản liên quan đến trí tuệ, bằng sáng chế

Nguồn vốn là nguồn lực tài chính để doanh nghiệp đầu tư vào tài sản, phục vụ sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn gồm 2 yếu tố:

  • Vốn chủ sở hữu: Vốn góp của nhà đầu tư, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối.

  • Nợ phải trả: Nợ phải trả cho người bán, thuế, tiền lương cho lao động, tiền vay,...

Lưu ý: Tổng tài sản luôn bằng tổng nguồn vốn khi ghi chép trên bảng cân đối kế toán.

Có thể bạn chưa biết, mức độ đầu tư phát triển của doanh nghiệp sẽ được thể hiện qua tỷ lệ tài sản ngắn hạn so với tổng tài sản hiện tại.

Ví dụ, công ty A có tổng tài sản 10 tỷ, tài sản ngắn hạn chiếm 8 tỷ (tỷ lệ 80%), nghĩa là công ty A ít đầu tư vào tài sản dài hạn như máy móc, công xưởng, thiết bị,... Điều này có thể dẫn đến sự chậm phát triển trong dài hạn.

Ngoài ra, mức độ an toàn của một doanh nghiệp sẽ thể hiện qua tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản hiện tại.

Ví dụ, công ty B có tổng tài sản 10 tỷ, vốn chủ sở hữu chiếm 7 tỷ (70%), nợ phải trả là 3 tỷ. Có thể thấy, công ty B đang tự chủ tài chính và ít bị phụ thuộc vào việc vay nợ nên khá an toàn.

Bước 3: Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Anfin mách bạn 3 bước để phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả:

  • Bước 1: Tách chi phí và doanh thu ra riêng biệt.

  • Bước 2: Tính tỷ trọng từng khoản doanh thu/tổng doanh thu, từng khoản chi phí/tổng chi phí.

  • Bước 3: Phân tích và tìm nguyên nhân của sự thay đổi đối với từng khoán doanh thu, chi phí.

8-minh-hoa-bang-bao-cao-ket-qua-hoat-dong-kinh-doanh.webp

Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ có thông tin về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, thuế. Đặc biệt, nó sẽ được tính tuần tự từ hoạt động kinh doanh, đến hoạt động tài chính và các hoạt động khác.

Thực tế, yếu tố quan trọng nhất bạn nên chú ý là lợi nhuận. Phần này thường được tạo ra từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính. Sẽ có 2 loại lợi nhuận, gồm:

  • Lợi nhuận trước thuế: Là tổng các khoản lợi nhuận từ việc bán sản phẩm/dịch vụ, đầu tư và hoạt động khác khi chưa nộp thuế.

  • Lợi nhuận sau thuế: Là phần lợi nhuận ròng còn lại sau khi hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Bạn nên chú ý, lợi nhuận khác sẽ đến từ việc thanh lý tài sản, bồi thường hợp đồng,... nên thông thường nó sẽ không cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Nếu lợi nhuận khác cao quá cao thì khả năng doanh nghiệp đang âm thầm thanh lý nhiều tài sản và có nguy cơ phá sản. Vì thế bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư để tránh rủi ro khó lường.

Bên cạnh đó, khi xảy ra bất kỳ sự biến động nào về doanh thu và chi phí thì bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bước 4: Đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Để xem báo cáo lưu chuyển tiền tệ hiệu quả, bạn có thể đọc theo 3 bước:

  • Bước 1: Quan sát các khoản thu chi của từng hạng mục.

  • Bước 2: Tính tỷ trọng và sự biến đổi đối với các khoản thu chi ở từng hạng mục.

  • Bước 3: Xác định nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi, tiến hành phân tích để đưa ra nhận định từ các thông tin có được.

Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ phản ánh dòng chảy tiền tệ thực tế trong mỗi doanh nghiệp. Mọi sự biến động của dòng tiền sẽ được ghi nhận theo nhóm hoạt động phát sinh, gồm:

  • Nhóm 1: Dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh và cung cấp sản phẩm/dịch vụ, nhóm này có liên quan đến người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, nhà nước,...

  • Nhóm 2: Dòng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư, thanh lý các loại tài sản, mua sắm.

  • Nhóm 3: Dòng tiền xuất phát từ hoạt động tài chính, có liên quan đến sự thay đổi của vốn chủ sở hữu và các khoản vay.

9-minh-hoa-bao-cao-luu-chuyen-tien-te.webp

Nếu dòng tiền đến từ nhóm 2 và 3 tăng lên ở kỳ hiện tại thì sẽ có xu hướng giảm ở kỳ tương lai và ngược lại. Hiểu đơn giản là vì doanh nghiệp mua tài sản về thì sẽ có lúc bán đi, nếu vay nợ cũng đến giai đoạn phải trả.

Trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (nhóm 1) sẽ là yếu tố được doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm nhất. Vì nó thể hiện sự hiệu quả khi làm ăn, nếu dòng tiền này ổn định thì doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, khi báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền và các khoản tương đương tiền giảm xuống, đồng thời nợ cũng giảm hoặc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ là một tín hiệu tốt. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, đủ khả năng trả nợ và chia cổ tức cho các cổ đông.

Bước 5: Đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Bảng thuyết minh báo cáo tài chính là phần giải thích chi tiết các số liệu và thông tin trong báo cáo tài chính. Nó giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

Việc đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính cũng nên theo tuần tự để đảm bảo tính hiệu quả và nhanh chóng, cụ thể như sau:

  • Bước 1: Theo quy định, kết cấu phần thuyết trình sẽ tùy thuộc vào ngành nghề, đặc điểm, chuẩn mực, kỳ kế toán, chính sách kế toán hiện hành, đặc điểm riêng của doanh nghiệp,... Vì thế, đầu tiên bạn nên tìm hiểu về doanh nghiệp.

  • Bước 2: Đọc từng phần thuyết minh về các khoản mục, đặc biệt chú ý đến các phần có sự thay đổi tăng/giảm so với kỳ trước.

  • Bước 3: Kiểm tra lại thông tin thông qua nhiều nguồn, đối chiếu với những thông tin được đề cập trong báo cáo tài chính, điều này sẽ đảm bảo bạn có cơ sở chính xác để đánh giá và ra quyết định đầu tư.

10-minh-hoa-phan-thuyet-minh-bao-cao-tai-chinh.webp

Bước 6: Tổng hợp và phân tích

Sau khi đã đọc được các thông tin trên báo cáo tài chính, bước cuối cùng bạn cần làm là tổng hợp lại và tiến hành phân tích thông tin. Bạn có thể:

  • So sánh: Bạn đối chiếu các chỉ số tài chính trong các kỳ để đánh giá xem doanh nghiệp có đang tăng trưởng hay không. Ngoài ra, bạn còn có thể so sánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực, từ đó chọn ra cổ phiếu tiềm năng nhất.

  • Phân tích cơ bản: Nhà đầu tư sẽ sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá doanh thu, lợi nhuận và lợi nhuận ròng để biết doanh nghiệp có đang hoạt động tốt không, giúp giảm rủi ro đầu tư.

  • Xác định giá trị nội tại: Bạn sẽ xem xét tổng tài sản và tổng nợ để biết doanh nghiệp có đang “đồ sộ” thực sự không. Ví dụ một doanh nghiệp có tổng tài sản 100 tỷ, vốn chủ sở hữu 30 tỷ, vay nợ 70 tỷ thì nó không lớn như vẻ bề ngoài của mình.

  • Đánh giá triển vọng: Nếu dòng tiền từ lợi nhuận kinh doanh chảy vào tài sản như máy móc, công nghệ, nhà xưởng,... thì doanh nghiệp đang tập trung mở rộng kinh doanh. Đồng nghĩa, doanh nghiệp làm ăn tốt và có khả năng sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Từ những phân tích trên, bạn đã có thể đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp, nhờ đó mà bạn có thêm cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.

Lưu ý khi đọc báo cáo tài chính cho nhà đầu tư

Nhà đầu tư thường căn cứ vào báo cáo tài chính để giao dịch cổ phiếu, do đó nguồn thông tin này rất quan trọng. Bạn nên kiểm tra, đối chiếu và phân tích thông tin một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, hãy ghi nhớ một vài lưu ý sau:

  • Bạn cần nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp, luôn đánh giá dựa trên hoạt động thực tế của doanh nghiệp

  • Thông qua việc phân tích các chỉ số, bạn sẽ dự đoán tình hình doanh nghiệp ở hiện tại và tương lai

  • Bạn nên so sánh các chỉ số với kỳ trước, với các đối thủ cùng ngành để có đánh giá khách quan

  • Mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng nguyên tắc kế toán khác nhau, vì thế bạn nên tìm hiểu rõ trước khi đọc báo cáo

  • Bạn nên đặc biệt chú ý đến doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu để đưa ra nhận định đúng đắn hơn

  • Nếu mục “Chi phí khác” có giá trị lớn bất thường, bạn phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vấn đề này

Vậy là, Anfin đã cùng bạn tìm hiểu cách đọc báo cáo tài chính chi tiết cho người mới tham gia thị trường đầu tư. Việc phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp bạn ra quyết định hiệu quả hơn, vì thế đừng bỏ qua bước này nhé!

Xem thêm

Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Làm quen đầu tư