Phân tích kỹ thuật chứng khoán: Nguyên lý và 4 yếu tố chính
Phân tích kỹ thuật được sử dụng để dự đoán xu hướng giá cổ phiếu dựa trên dữ liệu đã xảy ra trong quá khứ, từ đó giúp nhà đầu tư xác định điểm ra vào lệnh hợp lý để tối ưu lợi nhuận, giảm rủi ro đầu tư.
Phân tích kỹ thuật chứng khoán là gì?
Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích các biến động giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để nhận định cung - cầu, từ đó dự đoán xu hướng giá cổ phiếu và xác định được điểm giao dịch hợp lý.
Thay vì tập trung vào các yếu tố thuộc phân tích cơ bản như tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của công ty thì phân tích kỹ thuật lại chú trọng vào việc nhận diện xu hướng giá thông qua biểu đồ, các chỉ báo kỹ thuật và mô hình giá.
Người sử dụng phân tích kỹ thuật tin rằng các xu hướng giá trong quá khứ có thể lặp lại ở tương lai nên họ dựa vào những dữ liệu đã xảy ra trên thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.
Bên cạnh phân tích kỹ thuật thì phương pháp phân tích cơ bản cũng được biết đến rộng rãi trong cộng đồng đầu tư chứng khoán. Về bản chất, 2 phương pháp này có sự khác biệt rõ nhất về mục đích sử dụng:
Phân tích kỹ thuật sẽ tìm ra điểm mua và bán cổ phiếu hợp lý.
Phân tích cơ bản dùng để đánh giá giá trị nội tại của cổ phiếu.
Trên thực tế, cả 2 phương pháp này sẽ linh hoạt bổ trợ cho nhau, giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Nguyên lý cơ bản phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật hoạt động dựa trên các nguyên lý sau:
1. Giá phản ánh tất cả thông tin thị trường
Charles Dow - người xây dựng phương pháp phân tích kỹ thuật từ lý thuyết Dow cho rằng: "Mọi yếu tố đều ảnh hưởng đến giá và được thể hiện trực tiếp trên biểu đồ giá"
Với nguyên lý này, Charles Dow khuyên nhà đầu tư hãy tập trung phân tích bức tranh toàn cảnh trên biểu đồ giá để có cái nhìn chính xác về các biến động của thị trường và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn thay vì phân tích các yếu tố cơ bản riêng lẻ, vừa mất nhiều công sức, vừa dễ mắc sai lầm do phải xem xét quá nhiều yếu tố khác nhau.
Ví dụ, khi cổ phiếu Tesla tăng vọt cuối năm 2020, không cần đọc báo cáo doanh thu thì bạn cũng dễ dàng thấy được sự cuồng nhiệt của nhà đầu tư qua những cây nến xanh liên tục trên biểu đồ mà không cần phân tích các yếu tố kinh tế khác.
2. Giá di chuyển theo xu hướng
Nguyên lý thứ 2 trong phân tích kỹ thuật đề cập đến việc giá cổ phiếu hoặc bất kỳ loại tài sản nào khác sẽ thường di chuyển theo một xu hướng trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải là sự biến động ngẫu nhiên.
Xu hướng này xuất phát từ tác động của cung cầu và tâm lý thị trường, tạo ra các giai đoạn giá di chuyển có định hướng rõ ràng. Do đó, xác định đúng xu hướng giá là yếu tố then chốt để thành công với phương pháp phân tích kỹ thuật, vì nó giúp nhà đầu tư chọn đúng thời điểm ra vào lệnh tối ưu nhất.
3. Lịch sử có xu hướng lặp lại
Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thị trường như tâm lý giao dịch, chu kỳ kinh tế, yếu tố thời vụ trong một số ngành đặc thù thường có ít sự thay đổi và có khả năng sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai.
Ở thị trường chứng khoán Mỹ có một câu nói nổi tiếng “Sell in May and Go Away”, nghĩa là nhà đầu tư thường bán cổ phiếu vào tháng 5 dẫn đến dòng tiền trên thị trường giảm và sau đó thị trường sẽ phục hồi lại vào mùa thu kế tiếp.
Ở Việt Nam, khi đến mùa báo cáo tài chính quý 3 (tháng 10), cổ phiếu big 4 ngân hàng thường tăng giá mạnh vì được kỳ vọng cao, nhiều nhà đầu tư mua vào với hi vọng kết quả kinh doanh tốt giúp giá cổ phiếu tăng.
Trong lịch sử thị trường chứng khoán, các chu kỳ tăng giảm giá, mô hình giá hay các điểm đảo chiều thường lặp đi lặp lại. Thế nên nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tìm kiếm cơ hội đầu tư chốt lời.
Tại sao phân tích kỹ thuật được sử dụng nhiều?
Sở dĩ, phương pháp phân tích kỹ thuật được nhiều nhà đầu tư sử dụng là vì:
Tạo cơ sở nhận định và xác nhận xu hướng giá để bạn có kế hoạch đầu tư ngắn, trung và dài hạn phù hợp.
Báo động các thay đổi bất ngờ về giá cổ phiếu giúp nhà đầu tư kịp thời bán ra, giảm rủi ro, đặt ngưỡng an toàn mới.
Dự đoán mức giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên dữ liệu quá khứ, từ đó bạn có thể ra vào lệnh hợp lý hơn.
Các yếu tố chính trong phân tích kỹ thuật
Với phương pháp phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư sẽ cần nắm rõ 3 yếu tố nền tảng gồm: Mô hình giá, các chỉ báo kỹ thuật, mức hỗ trợ - kháng cự.
1. Mô hình giá
Giá cổ phiếu biến động sẽ tạo nên hình dạng nhấp nhô trên biểu đồ giá, và đó được gọi là mô hình giá. Mô hình giá sẽ phản ánh hành vi và tâm lý của nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, các mô hình giá ở quá khứ có xu hướng lặp lại trong tương lai, từ đó làm nền tảng giúp bạn dự đoán những gì có thể xảy ra tiếp theo và đưa ra quyết định mua bán chính xác.
Một số mô hình giá phổ biến mà nhà đầu tư thường thấy:
Tam giác (Triangle): Mô hình được hình thành khi giá di chuyển trong một phạm vi hẹp dần, đường nối các đỉnh và đường nối các đáy gần như sắp cắt nhau tại một điểm tạo thành hình tam giác.
Cốc tay cầm (Cup and Handle): Các biến động giá cổ phiếu tạo nên hình dạng giống như một chiếc cốc có tay cần, thường xuất hiện trong xu hướng tăng và báo hiệu giá có thể tiếp tục theo xu hướng này.
Hai đỉnh (Double Top): Là một mẫu hình giá đảo chiều thường gặp trong chứng khoán, nó có hình dạng giống chữ M, được tạo bởi 2 đỉnh giá cao tương đương nhau và 1 đáy ở giữa.
Hai đáy (Double Bottom): Cũng là một mẫu hình giá đảo chiều, Double Bottom có cấu tạo giống với chữ W, bao gồm 2 đáy có mức giá thấp gần bằng nhau và 1 đỉnh nằm ở giữa.
Vai đầu vai (Head and Shoulders): Mô hình này được tạo ra từ 3 đỉnh. Đỉnh cao nhất ở giữa được gọi là đầu, đỉnh thứ nhất và đỉnh thứ 3 tương ứng với vai trái và vai phải.
Không ngẫu nhiên mà các mô hình này thường được các nhà đầu tư bắt gặp, bởi chúng phản ánh tâm lý cung cầu và xu hướng chung của thị trường khoảng thời gian đó.
Ví dụ với mô hình cốc tay cầm:
Cổ phiếu đã từng đạt "đỉnh", nhiều nhà đầu tư chốt lời khiến cho giá cổ phiếu giảm. Sau một thời gian tích lũy, nhiều nhà đầu tư tiếp tục mua vào khi giá cổ phiếu rớt "đáy", tạo nên phần "cốc".
Sau khi giá đã chạm lại "đỉnh" cũ, các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời ở giai đoạn này sau 1 thời gian dài, tạo ra phần "tay cầm" trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, với xu hướng dài hạn, cổ phiếu vẫn còn tiềm năng phát triển tốt nên nhà đầu tư tiếp tục mua vào, tạo nên xu hướng tăng dài hạn, từ đó tạo ra mô hình "cốc tay cầm".
2. Chỉ báo kỹ thuật
Chỉ báo kỹ thuật là các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư phân tích biểu đồ giá, được tạo ra bởi các phép tính dựa trên giá cổ phiếu, khối lượng giao dịch trong quá khứ, từ đó xác định xu hướng tiếp theo của cổ phiếu.
Về cơ bản, chỉ báo kỹ thuật là các tín hiệu giúp nhà đầu tư nhận diện xu hướng giá, dự báo khả năng đảo chiều của thị trường, xác định điểm cắt lỗ hoặc chốt lời hợp lý tránh “đêm dài lắm mộng”.
Một số chỉ báo kỹ thuật cơ bản thường được sử dụng:
MA: Là chỉ báo được tạo thành từ việc nối tất cả mức giá đóng cửa trung bình trong một khoảng thời gian nhất định (vài ngày/tuần), giúp nhà đầu tư "làm mượt giá" và nhận diện xu hướng thị trường rõ ràng hơn thay vì các cây nến trồi sụt.
RSI: Là chỉ báo đo lường tốc độ và mức biến động giá cổ phiếu tại một thời điểm, giúp bạn biết được lực mua hay bán đang áp đảo, từ đó dự đoán thời điểm đảo chiều giá.
MACD: Đây là chỉ báo kết hợp giúp nhà đầu tư có thể đánh giá được sức mạnh của xu hướng hiện tại và tốc độ biến độ giá của một cổ phiếu.
Bollinger Bands: Đây là một chỉ báo kỹ thuật kết hợp đường trung bình động đơn giản (SMA) và độ lệch chuẩn. Bollinger Bands có thể đo lường mức độ biến động giá và xác định vùng quá mua/quá bán của một cổ phiếu.
Trendline: Còn được gọi là đường xu hướng, nó giúp nhà đầu tư xác định xu hướng thị trường trong một khoảng thời gian nhất định.
3. Mức hỗ trợ và kháng cự
Mức hỗ trợ và kháng cự là vùng giá mà nhà đầu tư dự đoán giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đảo chiều, được tạo bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như: giá cổ phiếu, khối lượng giao dịch và chỉ báo kỹ thuật.
Ví dụ:
Khi đang ở xu hướng giảm, giá chạm đường hỗ trợ sẽ đảo chiều tăng lên.
Khi đang ở xu hướng tăng, giá chạm đường kháng cự sẽ đảo chiều giảm xuống.
Bạn có thể hiểu đơn giản là:
Khi giá chạm vùng hỗ trợ, mọi người tin đó là mức giá thấp nhất nên kéo vào “bắt đáy” (tăng cầu), thúc đẩy giá cổ phiếu tăng lên.
Khi giá chạm vùng kháng cự, mọi người nghĩ giá đã đạt đỉnh nên liên tục bán ra (giảm cầu), dẫn đến giá cổ phiếu giảm xuống.
Không chỉ riêng chứng khoán mà giá của các loại tài sản hay hàng hóa khác cũng phụ thuộc nhiều vào quy luật cung - cầu, nhiều người có nhu cầu mua thì giá hiển nhiên sẽ tăng và ngược lại.
Cách áp dụng phân tích kỹ thuật cơ bản
Về cơ bản, để áp dụng phân tích kỹ thuật khi đầu tư chứng khoán, bạn sẽ cần thực hiện 3 bước:
Bước 1: Vẽ đường Trendline và quan sát hướng di chuyển của giá để xác định xu hướng hiện tại của thị trường.
Bước 2: Kết hợp các yếu tố giá, khối lượng giao dịch và chỉ báo kỹ thuật lại với nhau (MA, RSI, BollingerBand,...) để xác định vùng hỗ trợ và kháng cự, từ đó chọn điểm mua bán hợp lý.
Bước 3: Liên tục theo dõi khối lượng giao dịch ở thời điểm hiện tại và các chỉ báo khác để xác nhận thông tin dựa trên cơ sở đã phân tích.
Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản
Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản là 2 phương pháp chính được sử dụng rộng rãi trong đầu tư chứng khoán, dưới đây là sự khác biệt giữa hai phương pháp này:
Yếu tố so sánh | Phân tích kỹ thuật | Phân tích cơ bản |
Mục đích phân tích | Xác định điểm mua và bán hợp lý để tối ưu lợi nhuận, giảm rủi ro thua lỗ | Xác định giá trị thực của cổ phiếu để so sánh với giá giao dịch hiện tại, từ đó đưa ra quyết định đầu tư |
Dữ liệu phân tích |
|
|
Chiến lược phù hợp | Phù hợp hơn đầu tư lướt sóng, ngắn hạn. Vẫn có thể áp dụng cho dài hạn | Đầu tư dài hạn |
Ưu điểm chính | Phân tích nhanh, xác định điểm mua và bán tối ưu | Cung cấp cái nhìn sâu sắc về giá trị thực của cổ phiếu, làm nền tảng vững chắc để đầu tư tích lũy lâu dài |
Nhược điểm chính | Kết quả phân tích dễ bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn, tín hiệu giả | Đòi hỏi nhiều thời gian, kiến thức và công sức để phân tích chuyên sâu |
Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuy vậy nhà đầu tư có thể kết hợp cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản để mang lại cơ sở đánh giá toàn diện, từ đó ra quyết định hiệu quả hơn.
Lời kết
Qua bài viết này, Anfin đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phân tích kỹ thuật. Trên thực tế, đây là công cụ vô cùng hữu ích cho các nhà đầu tư ưa thích “lướt sóng”, dự đoán xu hướng giá nhanh, ra quyết định quyết đoán. Tuy vậy, bạn cũng nên kết hợp nhiều phương pháp phân tích và đa dạng thông tin để có kết quả đầu tư tốt hơn.
Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin