Thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp: Vai trò, đặc điểm
Trong thị trường chứng khoán, các hoạt động trao đổi, mua bán cổ phiếu diễn ra không ngừng, quyền sở hữu cổ phiếu được chuyển từ người này sang người khác một cách liên tục
Dựa vào tính chất và vai trò, thị trường chứng khoán được chia làm hai loại là thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp. Cùng Anfin xem ngay bài viết để tìm hiểu rõ hơn nhé!
Thị trường chứng khoán sơ cấp
Khái niệm
Thị trường chứng khoán sơ cấp còn được gọi là thị trường phát hành hay thị trường cấp một, là nơi các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu,... lần đầu tiên được phát hành và bán ra công chúng (IPO).
Cổ phiếu được bán ra trên thị trường sơ cấp nhằm mục đích huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các dự án của Chính phủ.
Tại thị trường sơ cấp, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà phát hành chứng khoán, tức là người huy động vốn. Người mua chứng khoán sẽ được xem là nhà đầu tư, trở thành cổ đông khi sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Vai trò
Thị trường chứng khoán sơ cấp có chức năng quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế. Tại đây sẽ thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, cũng như các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nhằm cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, hoạt động của thị trường sơ cấp giúp tăng trưởng nguồn vốn trực tiếp cho nhà phát hành chứng khoán thông qua việc bán chứng khoán cho các nhà đầu tư
Từ đó, bạn có thể thấy rằng thị trường sơ cấp đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển nguồn tiền từ những nhà đầu tư sang doanh nghiệp cần sử dụng chúng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai và nền kinh tế chung.
Đặc điểm
Một số đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán sơ cấp:
Thị trường sơ cấp giúp doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu,…
Thời gian hoạt động của thị trường không liên tục, chỉ hoạt động khi doanh nghiệp có nhu cầu phát sinh chẳng hạn như huy động vốn,...
Mức giá chứng khoán tại thị trường này được cố định và quyết định bởi doanh nghiệp/ nhà phát hành chứ không được quyết định bởi thị trường.
Ngân hàng sẽ là chủ thế trung gian cho các giao dịch mua bán tại thị trường chứng khoán sơ cấp.
Các thành phần tham gia giao dịch chủ yếu là nhà đầu tư, nhà phát hành và nhà bảo lãnh.
Khối lượng giao dịch chứng khoán và nhịp độ của thị trường sơ cấp thấp hơn nhiều so với thị trường thứ cấp.
Thị trường chứng khoán thứ cấp
Khái niệm
Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi giao dịch các loại chứng khoán đã được phát hành tại thị trường chứng khoán sơ cấp.
Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp chỉ làm thay đổi quyền sở hữu chứng khoán đã phát hành chứ không tăng thêm vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Vai trò
Thị trường thứ cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch mua bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư diễn ra dễ dàng hơn.
Thị trường thứ cấp giúp các loại chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn, bởi các giao dịch mua bán diễn ra liên tục. Các nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán của chứng khoán.
Đây nơi các chứng khoán đã phát hành được giao dịch lại, giúp xác định lại mức giá thị trường của các chứng khoán đó.
Đảm bảo các giao dịch chứng khoán an toàn, công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Đặc điểm của thị trường thứ cấp
Chứng khoán sau khi được phát hành tại thị trường sơ cấp được giao dịch mua bán qua lại nhiều lần trên thị trường thứ cấp
Thời gian hoạt động liên tục thông qua các phiên giao dịch.
Nhờ tính thanh khoản cao, khối lượng giao dịch lớn nên chi phí giao dịch của nhà đầu tư sẽ giảm.
Các khoản thu từ việc bán chứng khoán tại đây sẽ thuộc về các nhà đầu tư, không phải các tổ chức phát hành
Thị trường chứng khoán thứ cấp không làm tăng thêm lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế mà chỉ thay đổi quyền sở hữu các loại chứng khoán đã phát hành.
Mức giá của chứng khoán trên thị trường thứ cấp không được cố định mà phụ thuộc vào xu hướng cung cầu.
Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp
Cả 2 thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp đều có mối quan hệ nội tại mật thiết và không thể tách rời với nhau.
Thị trường sơ cấp đóng vai trò là cơ sở tạo ra chứng khoán, nơi các doanh nghiệp phát hành chứng khoán để huy động vốn. Sau khi các chứng khoán được phát hành, chúng sẽ được chuyển sang thị trường thứ cấp, nơi chúng được giao dịch và luân chuyển giữa các nhà đầu tư.
Nếu như thị trường sơ cấp là nơi cung cấp nguồn chứng khoán mới thì thị trường thứ cấp giúp các chứng khoán đó được lưu thông, tạo điều kiện cho các giao dịch giữa các nhà đầu tư diễn ra.
Do đó, không thể nói rằng thị trường nào sẽ quan trọng hơn, cả 2 đều có vai trò riêng và bổ sung cho nhau. Nếu không có thị trường thứ cấp, thị trường sơ cấp sẽ khó có thể vận hành hiệu quả.
Tóm lại
Như vậy, bài viết này đã chia sẻ một số thông tin cơ bản về hai thị trường chính trong chứng khoán đó là thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp. Hy vọng bạn sẽ hiểu rõ cũng như phân biệt được và ứng dụng chúng và những chiến lược đầu tư của bản thân nhé!
Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin